Hôi miệng khiến bạn cảm thấy xấu hổ, tự ti? Chắc chắn rồi, hơi thở hôi chính là “rào cản” đi tới thành công trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công việc và tình cảm. Lý do đầu tiên bạn có thể “đổ lỗi” cho chứng hôi miệng của mình là do vệ sinh răng miệng không tốt. Thế nhưng, bạn có biết rằng có một số lý do vô cùng đơn giản khác cũng gây ra chứng hôi miệng của bạn mà bạn không hề hay biết. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
10 lý do kỳ lạ gây hôi miệng khiến ai cũng phải ngạc nhiên
1. Sau một bữa tiệc
Sau một bữa tiệc khuya, rượu, bia, thuốc lá cùng với thức ăn chính là những yếu tố khiến cho hơi thở của bạn có mùi hôi khó chịu vào ngày hôm sau. Rượu, bia và thuốc lá khiến cho miệng của bạn khô và tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hôi miệng phát triển gây ra hơi thở hôi. Sau một đêm thì đó đúng là điều kinh khủng vào sáng hôm sau. Nếu bạn thường xuyên có những bữa tiệc khuya và không kịp vệ sinh răng miệng sạch sẽ, bạn sẽ bị hôi miệng “quấy rối” vào một ngày không xa.
10 lý do gây hôi miệng ai cũng ngạc nhiên
2. Vi khuẩn ở lưỡi của bạn
Vi khuẩn trên lưỡi là nguyên nhân hàng đầu gây ra hơi thở hôi. Mảng bám trên bề mặt lưỡi chính là nguồn thức ăn dồi dào và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mùi sinh sôi, phát triển. Làm sạch lưỡi của bạn bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ làm sạch lưỡi sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và cả môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
3. Chế độ ăn kiêng Low-Carb
Khi bạn cắt bỏ carbs (tinh bột) và tăng lượng protein trong chế độ ăn hàng ngày, cơ thể bạn bắt đầu đốt cháy chất béo để tạo ra năng lượng. Quá trình đó tạo ra các hợp chất gọi là ceton, gây ra mùi hôi miệng. Trong trường hợp này, dù bạn có vệ sinh răng miệng tốt hơn cũng sẽ không giải quyết được vấn đề, vì đó không phải là nguyên nhân gốc rễ. Bạn có thể che giấu hơi thở hôi tạm thời bằng cách nhai kẹo cao su không đường.
4. Cảm cúm
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản không chỉ khiến bạn cảm thấy khó thở mà dịch nhày sản sinh từ quá trình viêm này là món ăn mà vi khuẩn gây hôi miệng vô cùng ưa thích, điều này sẽ khiến cho vi khuẩn gây mùi hôi miệng sinh sôi, phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, khi bạn bị nghẹt mũi, bạn có nhiều khả năng phải thở bằng miệng, điều này có thể làm khô miệng của bạn và làm mùi hôi miệng nồng nặc hơn.
5. Loét dạ dày
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Medical Microbiology cho biết, vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày cũng có thể gây ra hơi thở hôi. Tiêu diệt triệt để vi khuẩn này sẽ giúp loại bỏ mùi hôi miệng. Bác sĩ có thể kiểm tra nguyên nhân gây hôi miệng, nếu xác định chính xác nguyên nhân là do H. pylori, bạn sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp để tiêu diệt chúng.
6. Tác dụng phụ của thuốc
Có hơn 400 loại thuốc theo toa và không kê toa, bao gồm thuốc chống trầm cảm và các thuốc dị ứng, có thể làm giảm bài tiết nước bọt, từ đó, gây khô miệng, khiến hơi thở của bạn có mùi hôi khó chịu. Nước bọt chính là chất làm sạch tự nhiên của khoang miệng, chúng giúp loại bỏ thực phẩm và vi khuẩn, ngăn chặn nguy cơ hôi miệng. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo bạn nên giữ ẩm cho khoang miệng của mình bằng cách bổ sung nước đầy đủ và nhai kẹo cao su không đường để giữ cho miệng của bạn luôn ẩm.
7. Sỏi amidan
Sỏi amidan là những hạt nhỏ mắc ở amidan. Mỗi viên sỏi bao gồm dịch nhầy, thức ăn thừa và vi khuẩn. Kích thước sỏi thay đổi cùng với sự phát triển của vi khuẩn sản sinh ra khí lưu huỳnh gây hôi miệng. Người mắc sỏi amidan thường có mùi hôi miệng nồng nặc. Để loại bỏ mùi hôi miệng do nguyên nhân này, bạn cần loại bỏ các viên sỏi amidan bằng cách dùng tăm bông hoặc dùng nước muối để súc miệng hay đến gặp bác sĩ nha khoa để được xử trí triệt để.
8. Hoa quả sấy khô
Hoa quả sấy khô thường có hàm lượng đường rất cao, vi khuẩn gây mùi hôi miệng rất thích ăn loại thức ăn này. 1/4 cốc nho khô có 21 gam đường, còn với cùng một lượng mơ khô như vậy sẽ có 17 gram đường, điều đó giống như bạn ăn 4 - 5 muỗng đường tinh khiết. Thêm vào đó, trái cây sấy khô rất dính, vì vậy, chúng có thể bị mắc kẹt trên và giữa các hàm răng của bạn và đó chính là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho vi khuẩn gây mùi hôi miệng. Bởi vậy, sau khi ăn loại thức ăn này, bạn hãy dùng chỉ nha khoa và đánh răng để loại bỏ hoàn toàn thức ăn thừa bám dính trên răng.
9. Trào ngược axit hoặc ợ nóng
Trào ngược axit hoặc ợ nóng là hai triệu chứng của GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản) - một rối loạn tiêu hóa phổ biến. Hơi thở hôi của bạn có thể xuất phát từ một số thức ăn không thể tiêu hóa hoặc khi trào ngược dạ dày thực quản, một phần dịch vị dạ dày đọng lại thành thực quản hoặc cổ họng khiến hơi thở có mùi khó chịu. Hãy hỏi bác sĩ của bạn nếu bạn thường xuyên có những biểu hiện này để được điều trị sớm, triệt để.
10. Nứt răng
Nứt răng hay bề mặt răng gồ ghề sẽ là những hốc chứa đựng các hạt thức ăn thừa và vi khuẩn gây hôi miệng. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến sâu răng, bệnh nướu răng và hơi thở hôi. Răng giả bị trầy xước cũng có thể gây ra các vấn đề tương tự.
Điều trị hôi miệng có khó không?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây hôi miệng ở mỗi người là khác nhau mà các phương pháp điều trị hôi miệng cũng khác nhau. Do đó, bạn cần phải xác định chính xác nguyên nhân gây hôi miệng, từ đó mới có hướng điều trị thích hợp.
- Điều trị hôi miệng do các nguyên nhân tại khoang miệng: Để phòng tránh và khắc phục tình trạng hôi miệng do khoang miệng, trước hết bạn cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, sử dụng dụng cụ cạo lưỡi, dùng chỉ nha khoa, không hút thuốc lá, hạn chế uống nhiều rượu bia, chất kích thích. Nên sử dụng dung dịch nha khoa hàng ngày, uống nhiều nước kết hợp chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế ăn thức ăn dầu mỡ chiên xào là những biện pháp giúp giảm hôi miệng do các nguyên nhân tại khoang miệng.
- Với các trường hợp hôi miệng do sỏi amidan hay viêm xoang, cần điều trị hiệu quả tình trạng viêm xoang, sỏi amidan, tránh tái phát. Loại bỏ mùi hôi miệng bằng cách súc miệng thường xuyên với dung dịch nha khoa, uống đủ nước, ăn thức ăn mềm, hạn chế thức ăn lạnh, nhiều dầu mỡ, không uống nhiều bia, rượu; Luôn giữ ấm cổ họng, tránh ngồi máy điều hòa, máy quạt quá lâu; Mang khẩu trang khi ra ngoài,…
- Với các trường hợp hôi miệng do trào ngược dạ dày, thực quản, cần phải phòng và điều trị bệnh trào ngược dạ dày bằng cách dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày, thực quản. Nên uống nhiều nước, súc miệng hàng ngày bằng dung dịch nha khoa, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, nhai kỹ thức ăn, dùng các thực phẩm tốt cho tiêu hóa như: sữa chua, rau củ quả tươi, khoang lang, mật ong, bơ,… Tránh ăn khuya hoặc ăn no sát giờ đi ngủ, hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chua, cay nóng, tránh uống rượu bia, đồ uống có cồn,…